QUY ĐỊNH SỐ 85-QĐ/TW CỦA BAN BÍ THƯ VÀ HƯỚNG DẪN SỐ 99-HD/BTGTW CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG VỀ VIỆC CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN
THIẾT LẬP VÀ SỬ DỤNG TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
CÁ NHÂN TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI
I – Sự cần thiết phải ban hành quy định về việc cán bộ, đảng
viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân
- Hiện nay gần
như hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều có sử dụng ít nhất một
tài khoản mạng xã hội để phục vụ cho việc theo dõi thông tin, giải trí, ngoài
ra còn phục vụ cho công việc, công tác tuyên truyền...
- Thời gian qua đã có nhiều cán bộ,
đảng viên thường xuyên, tích cực tham gia tuyên truyền trên Internet, mạng xã
hội góp phần lan tỏa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; giúp
nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực
thù địch. Nhiều cán bộ, đảng viên tham gia đăng tải, chia sẻ thông tin tích
cực, tốt đẹp; chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai
trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn
hóa lành mạnh trên không gian mạng.
-Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cán
bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định, từ đó có nguy cơ vi phạm khi tham
gia mạng xã hội; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên sử dụng mạng
xã hội để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước; lan tỏa thông tin, hình ảnh tích cực. Một số cán bộ, đảng viên
còn thờ ơ, ít hoặc không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các
vấn đề quan tâm dù thông tin đó là sai; khả năng phản bác thông tin xấu, độc,
quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế; một số ít còn chia sẻ những bài viết
chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật. Việc phát hiện, báo cáo, đề
xuất với lãnh đạo biện pháp đấu tranh, xử lý đối với các thông tin xấu, độc còn
hạn chế…
- Để định hướng cho cán bộ,
đảng viên khi sử dụng Internet và mạng
xã hội và quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với cộng tác
này, ngày 7-10-2022, Ban Bí thư đã ban
hành Quy định số 85-QĐ/TW (gọi tắt là
Quy định 85) về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân. Ngày
20-3-2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành văn bản số 99-HD/BTGTW (gọi
tắt là Hướng dẫn 99) hướng dẫn cụ thể
việc thực hiện Quy định 85 (cả hai văn bản này đều là tài liệu mật).
II – Nội dung chủ yếu của Quy định 85 và
Hướng dẫn 99
1 –
Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt,
hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc sử
dụng Internet, mạng xã hội.
-Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình
hình, kịp thời phát hiện các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc để
phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý.
-Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ,
đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội; kịp thời phát
hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
-Thường xuyên giáo dục chính trị tư
tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của
cơ quan, các quy định về bảo vệ Bí mật nhà nước; theo dõi diễn biến tư tưởng,
tâm trạng của cán bộ, đảng viên; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy
vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng
lành mạnh, an toàn.
- Khi phát hiện cán bộ, đảng
viên thuộc quyền có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp trên
xử lý.
2 –
Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
-Cán bộ, đảng viên phải chấp
hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến sử dụng
Internet, mạng xã hội.
-Phải khai báo thông tin
chính danh khi thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân. Ưu tiên
sử dụng tên miền quốc gia “.vn”
và tên miền tiếng Việt khi thiết
lập trang thông tin điện tử cá nhân. Phải
kịp thời hủy bỏ các trang thông tin không còn
sử dụng trên Internet, mạng xã
hội. Báo cáo kịp thời, trung thực các thông tin liên quan đến trang thông tin
điện tử cá nhân đang sử dụng.
- Cán bộ, đảng viên khi sử
dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố tích cực để tuyên
truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào
thi đua yêu nước; kịp thời cung cấp, định hướng thông tin đúng về những vấn đề,
sự việc phức tạp, nhạy cảm mà Nhân dân quan tâm. Tuyên truyền, lan tỏa các hình
ảnh, thông tin tích cực như gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến,
các câu chuyện có giá trị nhân văn…
- Chấp hành nghiêm các quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên
quan đến sử dụng Internet, mạng xã hội. Khi phát hiện trang thông tin điện tử cá nhân của mình có
dấu hiệu bất thường, bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, bị lợi dụng cho mục
đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đến quyền và
lợi ích hợp pháp của cá nhân thì phải dừng ngay hoạt động, kịp thời thông báo
cho cấp ủy, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ.
-Chịu trách nhiệm về toàn bộ
nội dung thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trang
của mình. Phải chủ động đính chính thông tin, gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập các
bình luận tiêu cực, sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách của Nhà nước; không tham gia bình luận tiêu cực, sai trái tại
cá trang mà mình tương tác.
-Không cho, cho mượn, cho
thuê, bán, thế chấp trang thông tin điện tử cá nhân mình; không mượn, thuê,
mua, nhận thế chấp trang thông tin điện tử cá nhân khác để thực hiện hành vi
trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.